Di sản Tuyên Hóa (hòa thượng)

Suốt cuộc đời, sư luôn khiêm cung, vô ngã và tận tụy rãi lòng đại bi đến tất cả chúng sanh. sư hành đạo không nghỉ ngơi, chỉ muốn dẹp trừ màng vô minh, mê si đang che lấp bản tính chân thật của chúng sanh. sư luôn hành đạo vì hòa bình nhân loại, tôn giáo, quốc gia, thế giới. Mặc dầu chú trọng vào việc phát triển Tổng hội Phật giáo Pháp giới, sự cống hiến và công đức truyền bá Phật giáo qua Tây phương của sư được tóm tắt như sau:

Phật giáo đã có mặt ở Trung Hoa trước khi Bồ-đề-đạt-ma, tổ sư Thiền tông, từ Ấn Độ sang. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều mê mờ về giáo nghĩa chân chính của Phật pháp, không thể phân biệt gì là chân thật hay giả dối, gì là hời hợt hay thâm sâu. Tổ Bồ-đề-đạt-ma thắp lên ngọn đuốc trí huệ, làm sáng tỏ chân nghĩa của Phật pháp, bằng cách dạy họ tự mình rõ tâm thấy tính (minh tâm kiến tính), chứng được quả vị Bồ-đề. Hòa thượng Tuyên Hóa qua Tây phương sau khi Phật giáo được truyền sang đây khoảng một trăm năm. Lúc đó, có rất nhiều người thích nghiên cứu học hỏi Phật pháp, nhưng cũng rất mù mờ với những hiểu biết sai lầm. Vì vậy, nhận thấy rằng chỉ khi nào tăng đoàn Phật giáo được thanh tịnh và vững mạnh thì Phật giáo tại quốc gia đó mới được hưng thịnh, nên sư trùng hưng cải cách chế độ của tăng đoàn, chú trọng việc giữ gìn giới luật tinh nghiêm của hai chúng đệ tử xuất gia và tại gia. Nhận biết bản tính người Mỹ rất thích thực tế, và nhờ tiếp thừa tinh thần của tổ Bồ-đề-đạt-ma, sư đề xướng thực hành thiền định tinh tấn, để họ có thể trực tiếp tự chứng ngộ giáo nghĩa chân chính của Phật giáo. Vì có một số người nhận thức sai lầm về Phật giáo, sư giảng giải kinh điển Phật giáo bằng phương pháp đơn giản dễ hiểu, và chỉ rõ sự liên hệ mật thiết giữa chân nghĩa kinh điển cùng việc tu tập thực hành trong đời sống hằng ngày. Sau đó, lại phiên dịch những lời chú giải ra Anh ngữ để giúp các độc giả Tây phương tiện việc nghiên cứu học hỏi. Cuối cùng, sư quyết định chọn lựa Tây phương là nơi thực hành giáo hóa, tức dùng sự hành trì chân thật của mình mà hóa độ họ trong đời sống hằng ngày, hầu chỉ rõ chân nghĩa Phật giáo. Nhờ phương thức này, vô số người Tây phương vô cùng cảm động tri ân và thực hành theo những điều sư đã giảng dạy.